Trong Đề án Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch là sẽ phát triển tích hợp đô thị Đà Lạt với giao thông và du lịch nhằm tiếp tục định vị thành phố này ở vị trí là một trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh; thành phố du lịch trọng điểm phía Nam.
• CẢI THIỆN NĂNG LỰC HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ
Thời gian qua, Đà Lạt đã được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển đô thị, từng bước nâng cao các tiêu chí đô thị, khẳng định được vai trò là một trung tâm kinh tế trọng điểm của tỉnh, thành phố du lịch trọng điểm phía Nam. Thành phố cũng đã tập trung các nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng, tạo các điểm nhấn về cảnh quan và không gian đô thị, phát huy các giá trị về môi trường sinh thái gắn với lợi thế về du lịch. Công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị đã tạo diện mạo cho thành phố ngày càng khang trang, xanh – sạch – đẹp và văn minh. Tuy nhiên, để từng bước hoàn thiện đô thị, hệ thống giao thông, du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, xứng tầm; đặc biệt là hạn chế tình trạng ùn ứ giao thông trong các giờ cao điểm, lễ tết… thì rất nhiều kế hoạch phát triển đã được xây dựng và đặt mục tiêu triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đối với hệ thống đường đô thị, để cải thiện năng lực, UBND tỉnh đặt mục tiêu sẽ hoàn thiện khép kín hệ thống đường vành đai TP Đà Lạt gồm các đoạn, tuyến như đường Cam Ly – Ankroet – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Thánh Mẫu – Mai Anh Đào – đường Vòng Lâm Viên – Quốc lộ 27C – Hùng Vương – tuyến mở mới phía Đông Nam – An Sơn – Y Dinh – An Tôn – đường Trúc Lâm Yên Tử kéo dài, Cam Ly – Phước Thành; đường tránh Prenn – Xuân Thọ; đường nối Liên Nghĩa – Thạnh Mỹ, giúp giảm lưu lượng giao thông trên đèo Prenn, đèo Mimosa và giảm phương tiện đi qua trung tâm TP Đà Lạt.
Hoàn thiện kết nối hệ thống các tuyến đường vành đai, liên kết đô thị của TP Đà Lạt với các vùng phụ cận. Trên các trục chính đô thị của Đà Lạt, sẽ nâng cấp mở rộng đèo Prenn, đường nối chân đèo Prenn – Trúc Lâm Yên Tử quy mô 4 làn xe; cải tạo đèo Mimosa; cải tạo, chỉnh trang các tuyến trục chính của Đà Lạt (gồm 3 trục Đông Tây và 6 trục Bắc Nam theo quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ) đảm bảo phần xe chạy tối thiểu 2 – 4 làn xe, hoàn thiện đường đô thị trục chính phía Tây (đường Trần Văn Côi) và đường đô thị trục chính phía Đông từ đường Trạng Trình dọc theo suối đến đường Vòng Lâm Viên; hoàn thiện vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, thoát nước và cây xanh đường phố tạo cảnh quan đô thị.
• PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG GIAO THÔNG CÔNG CỘNG
Đà Lạt sẽ được quan tâm và định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng đa cấp, tích hợp đa phương thức và tái cấu trúc các tuyến xe buýt hiện hữu. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 sẽ nâng cao chất lượng các tuyến xe buýt hiện hữu, mở mới 3 tuyến xe buýt tần suất cao trên các tuyến đường trục chính đô thị Bắc – Nam và Đông – Tây (tuyến đèo Prenn – bến xe Mai Anh Đào; tuyến Cam Ly – Đarahoa; tuyến đèo Prenn – bến xe Liên Nghĩa). Xây dựng bãi đậu xe đầu đèo Prenn tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng và Phường 3, TP Đà Lạt với diện tích quy hoạch là 38,24 ha; bãi đậu xe kết hợp bến xe tại khu vực ngã ba Đarahoa, huyện Lạc Dương (36,69 ha) nhằm hình thành các khu vực đậu xe kết hợp nhà ga tập trung với các tiện ích đô thị nhằm cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ trung chuyển hành khách, đồng thời, giảm thiểu lượng xe cơ giới vào trung tâm TP Đà Lat.
Mục tiêu đến năm 2035, sẽ tái cấu trúc các tuyến xe buýt hiện hữu hình thành 5 tuyến xe buýt gom (Bến xe Mai Anh Đào – Ngã ba Đarahoa; Langbiang – Trúc Lâm Yên Tử; Bến xe Mai Anh Đào – Ga Đà Lạt; Bến xe Mai Anh Đào – Cam Ly – Đèo Prenn; Hoà Bình – Ga Đà Lạt – Cam Ly); 7 tuyến buýt liên huyện kết nối các khu vực phụ cận (Trại Mát – D’Ran; tuyến Đarahoa – Đạ Nhim; Cam Ly Liên Nghĩa, Liên Nghĩa – Bảo Lộc; Liên Nghĩa – D’Ran; Liên Nghĩa – Ka Đô – D’ran; Liên Nghĩa – Đinh Văn) và 3 tuyến buýt phục vụ khách du lịch (tuyến Ga Đà Lạt – Thiền viện Trúc Lâm – Đèo Mimosa; tuyến Ga Đà Lạt – Thung Lũng Vàng; tuyến Ga Đà Lạt – LangBiang). Nâng cấp cải tạo ga Đà Lạt (4,2 ha) là ga trung chuyển trung tâm mạng lưới giao thông công cộng nội đô và liên vùng. Xây dựng bãi đỗ xe kết hợp điểm trung chuyển xe buýt tại Cam Ly (3,18 ha). Bổ sung các trạm dừng, nhà chờ xe buýt khu vực trung tâm giúp tăng khả năng bao phủ của dịch vụ xe buýt. Định hướng nâng cấp 3 tuyến buýt trục tần suất cao thành các tuyến xe điện mặt đất hoặc xe điện một ray tăng cường đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.
Tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, hỗ trợ phát triển dịch vụ giao thông công cộng. Là thành phố du lịch phát triển mạnh, Đà Lạt đặt mục tiêu kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và vận hành hệ thống xe buýt thông qua hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi ban đầu; ban hành chính sách ưu đãi mua sắm phương tiện tiện nghi, sử dụng nhiên liệu sạch (xe điện hoặc khí thiên nhiên) và các chính sách ưu đãi thuế, phí cho doanh nghiệp trong quá trình vận hành khai thác.
Từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ được quan tâm đầu tư xây dựng các điểm trung chuyển chính trong mạng lưới giao thông công cộng khu trung tâm (ga Đà Lạt, bến xe Đa Thiện…), tại các điểm cửa ngõ thành phố (khu vực chân đèo Prenn, sân bay Cam Ly, ga Trại Mát, ngã ba Đarahoa), sẽ phát triển các trung tâm đô thị lân cận (khu đô thị Liên Khương, Cam Ly, Nam Ban, Finom, D’ran) theo mô hình định hướng giao thông công cộng, cho phép xây dựng mật độ cao, phát triển tập trung theo các quy mô, cấp độ khác nhau nhằm tập trung nhu cầu sử dụng giao thông công cộng, thu hút đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng đô thị, công trình dịch vụ, thương mại. Trong phạm vi các khu vực phát triển theo mô hình định hướng giao thông công cộng (TOD), sẽ tập trung phát triển mật độ sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường kết nối mạng lưới giao thông công cộng và thúc đẩy chuyển đổi phương thức từ phương tiện cơ giới cá nhân sang giao thông công cộng.
Đặc biệt, sẽ ưu tiên triển khai xây dựng các khu vực đô thị theo mô hình định hướng giao thông công cộng, gồm: khu vực trung tâm thành phố (ga Đà Lạt, sân bay Cam Ly và ga Trại Mát), khu vực phía Bắc (đô thị Lạc Dương, bến xe Đa Thiện và bãi đậu xe Đarahoa), khu vực phía Nam (đô thị Đức Trọng, chân đèo Prenn và đô thị Finom), phía Đông (đô thị D’ran) và khu vực phía Tây (đô thị Nam Ban và khu đô thị Cam Ly).
Báo Lâm Đồng