Những hình ảnh hiếm của Đà Lạt trước 1970

Mời các bạn xem những hình ảnh hiếm của Đà Lạt trước 1970 qua bộ sưu tập ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu sinh ngày 6-2-1928 tại thôn Bảo An, thị xã Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Đậu xong bậc tiểu học ở quê nhà, ông ra Nha Trang học tiếp trung học tại Trường tư thục Kim Yến và luôn đạt điểm cao nhất lớp môn hội họa với thầy Võ Thành Điểm.

Năm 1947, ông theo gia đình lên định cư tại vùng đất mới Đà Lạt. Ở tuổi 19, bắt đầu biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, chàng thanh niên Nguyễn Bá Mậu bằng những tư liệu ít ỏi có được trên sách vở, mày mò khởi chụp những bức ảnh đầu tay bằng chiếc máy ảnh Rollei cũ.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu và chiếc máy ảnh Rollei

Vua ảnh kỹ thuật phân sắc độ

Năm 1968, bức ảnh Dáng ngoại mang tên Nguyễn Bá Mậu – lần đầu tham gia dự thi – liên tiếp đoạt 5 giải thưởng: cúp vàng nhiếp ảnh Việt – Mỹ, cúp vàng Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, huy chương vàng tại Salon Montesson (Pháp)…

Ảnh xử lý kỹ thuật phân sắc độ (từ một âm bản thông thường gạn lọc tạo được những lượng sắc xám nhạt, xám đậm đặt gần những vùng trắng hoặc đen tương phản nhằm nâng cao trạng thái cảm xúc, hướng sự chú ý vào những điểm quan trọng) gây chấn động giới ảnh trong nước và quốc tế.

Sau thành công vang dội của Dáng ngoại, ông lần lượt đoạt thêm gần 30 huy chương với 12 tác phẩm ảnh cũng với kỹ thuật buồng tối thể hiện ở trình độ siêu đẳng qua nhiều biến thể khác nhau…

Bức ảnh “Dáng Ngoại” chụp năm 1968 (kỹ thuật phân sắc độ)

Những hình ảnh về Đà Lạt sau đây được sắp xếp theo thứ tự từ năm 1950 đến 1975

Hồ Xuân Hương – Ảnh Nguyễn Bá Mậu chụp năm 1950

Hồ Xuân Hương nguyên là thung lũng có dòng suối Cam Ly chảy qua, nơi quần tụ của các cư dân Lạch buổi ban đầu.

Năm 1919, từ sáng kiến của viên công sứ Cunhac, kỹ sư công chánh Labbé đã tiến hành việc ngăn dòng suối làm thành hồ.

Năm 1923, chính quyến đương thời lại cho xây thêm một đập phía dưới tạo thành 2 hồ.

Tháng 3 năm 1932, một cơn bão lớn làm cả hai đập bị vỡ.

Năm 1934 – 1935, kỹ sư Trần Đăng Khoa lại thiết kế, xây dựng một đập lớn bằng đá: đó là cầu ông Đạo ngày nay. Người Pháp đặt tên là Grand Lac (Hồ Lớn)

Hồ Xuân Hương 1952 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Hồ Xuân Hương là con tim của thành phố Đà Lạt và là một trong những thành phố hiếm hoi có hồ nằm ngay trung tâm. Hồ Xuân Hương là địa danh nổi tiếng và còn là địa điểm tham quan du lịch khá hấp dẫn tạo nên nét đặc sắc cho Đà Lạt.

Hồ Xuân Hương và nhà hàng thủy tạ năm 1954 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Công trình kiến trúc nổi bật gắn liền với hồ Xuân Hương là Thủy Tạ. Thời Pháp thuộc có tên là “La Grenouillère” (đầm ếch). Không hiểu vì sao lại có tên này? Nhưng nhìn qua cấu trúc thì thấy có tháp để nhảy xuống nước như ở hồ bơi. Tên gọi Hán Việt “Thủy Tạ” có khi còn hiểu là “Thủy tọa”, có nghĩa là một kiến trúc nằm trên nước.

Du khách đến vãn cảnh hồ Xuân Hương ít ai bỏ qua Thủy Tạ. Ghé vào đây chụp vài tấm ảnh lưu niệm với kiến trúc có hình thức rất khác biệt, khó tìm thấy nơi nào có kiến trúc tương tự. Một căn nhà màu trắng với lan can rộng nổi bật trên mặt hồ. Nhìn xa thấp thoáng như dáng một chiếc du thuyền sang trọng. Từ trước đến nay, Thủy Tạ vẫn là một café bar nhỏ, xinh xắn. Nếu muốn xây thêm để có chỗ đáp ứng số lượng khách đến rất đông cũng khả thi về mặt xây dựng. Nhưng có lẽ vì hình ảnh Thủy Tạ đã gắn bó với hồ Xuân Hương, khắc ghi sâu trong tâm khảm người Đà Lạt và du khách rồi nên chính quyền không hề có ý định này. Ngay cả màu trắng của kiến trúc cũng vẫn luôn được giữ không thay đổi

Thủy tạ năm 1953 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Thủy Tạ năm 1954 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Thủy Tạ năm 1954 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Hồ Xuân Hương Năm 1953 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Năm 1953 Hồ Lớn (Grand Lac) được chủ tịch hội đồng thị xã Nguyễn Vỹ đặt tên là Hồ Xuân Hương, theo tên của “Bà Chúa Thơ Nôm”. Hồ nằm ở ngay trung tâm thành phố, rộng chừng 5 cây số vuông. Mặt hồ im vắng, nằm trũng xuống giữa những đồi thông xinh đẹp.

Rừng Ái Ân năm 1953 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Rừng Ái Ân là một rừng thông nằm gần Dinh III (Dinh Bảo Đại), phía đường Triệu Việt Vương, một khu rừng thơ mộng nhất của Đà Lạt khi xưa với cái tên mang đậm tính chất trữ tình, Rừng Ái Ân (Bois d’Amour). Bây giờ khu rừng này đã không còn nữa.

Thác Pren năm 1954 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

 

Thác Pren năm 1954 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Thác Prenn cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10km. Theo truyền thuyết mà các già làng kể lại thì thác có tên gọi trên là xuất phát từ tiếng K’Ho đầu tiên có tên gọi Prềnh – có nghĩa là Cà đắng, sau người dân đọc lại thành Prenn. Bằng chứng là ngày nay, ở khu vực thượng nguồn của thác, dọc hai bên bờ suối vẫn còn rất nhiều cây Cà đắng mọc hoang. Loại cà này có trái nhỏ và tròn như cà pháo nhưng vỏ xanh và có điểm nhiều chấm trắng, khi chín có màu vàng. Ngày xưa người dân tộc đem chế biến và ăn có vị đắng rất ngon.

Còn theo các nhà dân tộc học thì tên của thác nước này, lại xuất phát từ tiếng Chăm. Prenn có nghĩa là “vùng lấn chiếm”. Tên gọi này xuất phát từ cuộc chiến tranh khá dai dẳng của các bộ tộc người thiểu số sống trên vùng đất này để chống lại những lần “Tây tiến” của người Chăm ở Panduranga (Ninh Thuận) vào thế kỷ 17, và người dân địa phương lấy tên này đặt tên cho thác nước hùng vĩ quanh năm nước chảy tạo sương trắng bảng lảng cả một vùng và từ đó thác có tên gọi Prenn.

Rừng thông Đà Lạt năm 1955 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Ga Đà Lạt năm 1955 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Ga Đà Lạt là nhà ga tàu hỏa của thành phố Đà Lạt. Nhà ga được người Pháp xây dựng từ năm 1932 đến 1938 thì hoàn thành, là nhà ga đầu mối trên tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt dài 84 km. Nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo, có ba mái hình chóp, là cách điệu ba đỉnh núi Langbiang hoặc nhà rông Tây Nguyên. Nhà ga đã được Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Nhà ga hiện đang là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thành phố Đà Lạt. Tuyến đường sắt duy nhất hiện nay nhà ga còn phục vụ chính là tuyến Thành phố Đà Lạt – Trại Mát dài 7 km đưa du khách đến với Trại Mát và chùa Linh Phước.

Cầu Ông Đạo năm 1955 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Đập này nằm trước Dinh Quản Đạo mà vị Quản đạo bấy giờ là Phạm Khắc Hòe vẫn được dân địa phương xưng gọi “ông Đạo” nên khi đập cũng là cầu xây xong, người dân quen gọi là “Cầu Ông Đạo”.
Đập Ông Đạo năm 1956 giữa Hồ Xuân Hương. Ngay từ khi Đà Lạt được người Pháp quy hoạch xây dựng đầu thế kỷ 20, kỹ sư Rousselle đã có ý nghĩ đào một hồ nước ở chính giữa. Đến năm 1919, Hồ Xuân Hương, lúc đó có tên là Hồ Lớn (Grand Lac) đã được thành hình một phần sau khi đắp xong đập thứ nhất. Hồ được mở rộng vào năm 1923 sau khi đắp đập thứ hai. Đến tháng 3-1932, bão lớn đã phá hủy hai đập trên. Từ năm 1934 đến 1935, kỹ sư Trần Ðăng Khoa cho xây một đập lớn bằng đá phía dưới hai đập trước kia và đã tạo thành hồ Xuân Hương như ngày nay.Đập này nằm trước Dinh Quản Đạo mà vị Quản đạo bấy giờ là Phạm Khắc Hòe vẫn được dân địa phương xưng gọi “ông Đạo” nên khi đập cũng là cầu xây xong, người dân quen gọi là “Cầu Ông Đạo”.

Thác Cam Ly năm 1957 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Cam Ly ở gần trung tâm thành phố Đà Lạt, nằm trên thượng nguồn sông Cam Ly, cách khu Hòa Bình 2,3 km về phía đông – nam.
Người Lạch gọi thác Cam Ly là Liêng Tô Sra, về sau đổi thành thác Cam Ly mang tên đoạn suối Cẩm Lệ chảy từ Liêng Tô Sra đến sông Đạ Đờng. Vị tù trưởng người Cơ Ho có tên K’ Mly nên dân trong vùng lấy tên ông đặt cho dòng suối của họ để ghi nhớ công lao của chủ làng. Và lâu ngày người ta đọc trại thành Cam Ly.
Cam Ly xuất phát từ gốc Hán- Việt (cam là ngọt và ly là thấm vào). Có nghĩa rằng Cam Ly là biểu tượng của một dòng suối có nước ngọt.

Hồ Đan Kia năm 1957 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Hồ Đankia – Suối Vàng gồm có hai hồ là hồ Đankia ở phía trên và hồ Suối Vàng ở dưới. Hai hồ con này được tạo bởi hai đập cùng tên Ankroet chắn sông Đa Dâng, con sông bắt nguồn từ núi Langbiang. Cạnh hồ là một thác nước cũng mang tên thác Ankroet cao 15 thước. Thác này đã được Toàn quyền Pháp Decoux chọn làm nơi xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên của Đà Lạt vào năm 1942 mang tên Nhà máy thủy điện Ankroet với công suất 3 MW.

Hồ Xuân Hương năm 1975 (Phía xa là đỉnh Langbiang) – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Chèo thuyền trên Hồ Xuân Hương năm 1957 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Từ những năm 1930 Ðà Lạt đã có một câu lạc bộ thuyền buồm và thuyền đua (rowing). Khi người Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1954, câu lạc bộ này vẫn tồn tại cho đến năm 1975.

Chèo thuyền trên Hồ Xuân Hương năm 1957 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Đà lạt mờ sương năm 1957 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Hồ Than thở năm 1957 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Hồ Than chở 1957 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Hồ Than Thở

Trước đây vùng hồ Than Thở có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập, xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt hình thành nên hồ rộng như ngày nay, đặt tên hồ là Lacdes Soupirs với nghĩa thứ hai (tiếng rì rào), nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại dịch theo nghĩa thứ nhất (than thở).

Theo ông Hiền Trưởng phòng tư liệu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Lạt thì dựa trên đề xuất của ông Nguyễn Vĩ, chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bây giờ, nên hồ được đổi từ tên Pháp ra tên Việt thành hồ Than Thở vào năm 1956. Từ năm 1975 hồ Than Thở được đổi tên thành hồ Sương Mai, nhưng người dân Đà Lạt mỗi khi nhắc đến hồ đều gọi là hồ Than Thở nên sau đó hồ được khôi phục lại tên cũ vào năm 1990.

Đèo Prenn năm 1957 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Đèo Prenn

Đèo Prenn là một đèo núi nằm ở cửa ngõ phía nam thành phố Đà Lạt. Đèo Prenn hiện tại được nhà thầu Gross của Pháp xây dựng từ tháng 2 năm 1943 để thay thế cho đoạn đường đèo Prenn cũ từ thác Prenn vào trung tâm Đà Lạt. Đường đèo có 79 đoạn cong, trong đó 18 đoạn cong có bán kính 40 m, các đoạn cong khác có bán kính 50–1.000 m, độ nghiêng tối đa là 3–7%.

Thác Prenn năm 1958 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Toàn cảnh Hồ Xuân Hương năm 1958 (góc nhìn từ DaLat Palace) – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Cái tên “Suối Vàng” do ai đặt và có từ bao giờ cho đến nay vẫn chưa ai biết. Có người kể rằng lúc trước, tại dòng suối này có nhiều vàng non sa khoáng nên mới đặt cho nó cái tên “Suối Vàng”

Hồ Xuân Hương năm 1959 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Thác Pongour năm 1960 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Hồ Than Thở năm 1960 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Phía sau ga Đà Lạt năm 1960 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt năm 1961 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt

Năm 1957, linh mục Ferdinand Lacretelle đến Sài Gòn khởi sự một cộng đoàn Dòng Tên truyền giáo, sau này phát triển thành Trung tâm Đắc Lộ. Sau đó, ông lên Đà Lạt để giảng dạy vì tại đây chuẩn bị thành lập một Đại học Công giáo. Cũng trong năm đó, các Giám mục miền Nam Việt Nam đã thỉnh cầu Tòa Thánh cho thiết lập một “Giáo hoàng Học viện” tại Việt Nam như là một cơ sở chính thức đào tạo tu sĩ Công giáo “nhằm giúp cho các giáo sĩ tương lai của Việt Nam được đào tạo nghiêm túc về trí thức và tu đức” (“une sérieuse formation intellectuelle et spirituelle”)

Hồ Xuân Hương năm 1963 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Rừng thông Đà Lạt trong sương mù năm 1963 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Hồ Xuân Hương và hồ Tổng Lệ năm 1963 (ngày nay hồ Tổng Lệ đã không còn) – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt năm 1963 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Viện Đại học Đà Lạt năm 1963 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Viện Đại học Đà Lạt

Viện Đại học Đà Lạt là một viện đại học tư thục dưới sự điều hành của Giáo hội Công giáo Việt Nam ở thành phố Đà Lạt, được thành lập vào năm 1957 dưới chính thể Việt Nam Cộng hoà. Năm 1975, dưới chính quyền mới, viện đại học này bị giải thể. Cơ sở của Viện Đại học Đà Lạt ngày nay là Trường Đại học Đà Lạt, một trường thành lập năm 1976 và hoạt động đến ngày nay.

Biệt thự Bạch Ngọc năm 1964 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt năm 1965 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Người dân câu cá trên Hồ Xuân Hương năm 1965 – Ảnh Nguyễn bá Mậu
Khách sạn Dalat Palace năm 1965 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Khách sạn Dalat Palace

Không lâu sau khi Bác Sĩ Alexandre Yersin phát hiện ra Đà Lạt vào năm 1893, quyết định thành lập một khu Nghỉ Dưỡng trên cao nguyên Lang Bian đã được đưa ra.

Việc kiến thiết thành phố bắt đầu vào năm 1905; việc có một khách sạn Hạng Nhất hay “Palace Hotel” như người Pháp đặt tên là cần thiết để thu hút tầng lớp thượng lưu Sài Gòn. Kiến trúc, phong cách và khái niệm đã được quyết định trước Chiến Tranh Thế Giới Thứ I và dự tính khởi công vào năm 1914. Công trình bị trì hoãn và bắt đầu vào năm 1916. Khách sạn Lang Bian Palace mở cửa vào năm 1922, đây là tòa nhà lớn nhất khu vực lúc bây giờ, vị trí lý tưởng nhìn xuống mặt hồ nhân tạo, đối diện với khu đất sẽ được dành để xây dựng sân gôn.

Đà Lạt có rất nhiều ngôi nhà được dựng bằng gỗ rất giống những căn nhà gỗ ở miền núi An-pơ Thụy Sĩ. Cũng có rất nhiều biệt thự lớn do các quan chức Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ.

Thành phố thật sự được phát triển xung quanh khách sạn. Khách sạn được tân trang lại lần đầu tiên vào năm 1942, khi Đà Lạt được dự tính trở thành thủ phủ của Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào. Theo phong cách Art Deco hiện đại thịnh hành vào những năm cuối 1930.

Hồ Xuân Hương năm 1965 hướng nhìn sân khách sạn Dalat Palace – Ảnh Nguyễn Bá Mâu
Trẻ em vui chơi trong rừng thông Đà Lạt năm 1966 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Đồi Cù năm 1967- Ảnh Nguyễn Bá Mục

Đồi Cù

Đồi Cù là khu đồi nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt kế bên hồ Xuân Hương. Nơi đây vốn là khu rừng thông tự nhiên cho tới khi được hoàng đế Bảo Đại yêu cầu cải tạo vào năm 1920 để làm sân golf và khu nghỉ dưỡng. Được khánh thành vào năm 1922, đây là sân golf đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1930, sân golf được cải tạo thành sân 9 hố theo tiêu chuẩn châu Âu. Năm 1942, khu vực Đồi Cù được kiến trúc sư người Pháp Jacques Lagisquet khoanh vùng trọng điểm cho đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên sau khi Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, khu vực này bị bỏ hoang suốt nhiều thập kỷ và được biến đổi thành công viên công cộng của thành phố. Sau năm 1975, sân golf bị bỏ hoang lần nữa.

Ngày 8 tháng 8 năm 1990, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho công ty cổ phần Dalat Resorts (Hoàng Gia DL) cải tạo và nâng cấp sân golf thành 18 hố theo tiêu chuẩn quốc tế với tên gọi Da Lat Palace Golf Club. Sân golf có diện tích nâng lên thành 71,5 ha , thời hạn hoạt động 50 năm.

Tên Đồi Cù có hai hướng lý giải, có người cho rằng những quả đồi thoai thoải nơi đây khi nhìn từ xa giống lưng của những con cừu. Cũng người giải thích đơn giản là vì chơi golf còn được gọi “đánh cù” nên trở thành tên cho quả đồi này.

Đèo Prenn năm 1967 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Các thiếu nữ dạo chơi tại thác Prenn năm 1967 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Trẻ em dạo chơi tại hồ Tổng Lệ trong đồi Cù năm 1968 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Trường Couvent Des Oiseaux năm 1968 – Ảnh Nguyễn Bá Mục

Trường Couvent Des Oiseaux

Từ năm 1934 đến 1936, trường Couvent des Oiseaux được xây dựng. Lúc đầu là vườn trẻ mẫu giáo, sau đó phát triển lên các bậc tiểu học và trung học, và đây là trường nữ trung học đầu tiên dạy chương trình Pháp. Trường còn có tên là Notre Dame du Langbian (Đức Bà Lâm Viên).

Hồ Xuân Hương năm 1968 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Hồ Xuân Hương năm 1970 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Nhà hàng Thủy Tạ năm 1970 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Trường Lycéе Yersin năm 1970 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Trường Lycéе Yersin

Trường được xây dựng trong vòng 8 năm, hoàn thành năm 1927 và mở cửa đón học sinh nội trú từ ngày 7 tháng 1 năm 1928. Tên gọi đầu tiên của trường là Petit Lycée Dalat, đây là nơi chuyên dành cho việc giảng dạy con em người Pháp và Châu Âu ở cấp bật tiểu học và trung học.
Năm 1932 trường được đổi tên thành Grand Lycée de Dalat và đến năm 1935 trường mang tên là Lycée Yersin. Tên gọi với mục đích để tưởng nhớ tới bác sĩ Alexandre Yersin – người đã có công tìm ra cao nguyên Lâm Viên để rồi sau đó khai sinh ra Đà Lạt. Sau năm 1975 trường trở thành Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt như hiện tại.

 

Hành lang trường Lycéе Yersin năm 1970 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Rừng thông Đà Lạt năm 1970 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Thung lũng tình yêu năm 1972 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Thung lũng tình yêu năm 1972 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu
Đèo Ngoạn mục năm 1978 – Ảnh Nguyễn Bá Mậu

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu lập gia đình năm 1956 với bà Phan Thị Như Sáng và có 5 người con: Nguyễn Bá Trung, Nguyễn Thị Như Loan, Nguyễn Bá Nhân, Nguyễn Bá Quang và Nguyễn Bá Khiêm, trong đó có 2 người con trưởng và con út là nối nghiệp cha, trở thành hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), hội viên Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) và đoạt nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh. Nguyễn Bá Trung và Nguyễn Bá Khiêm cũng đã phát hành cuốn sách về cha mình mang tên Nguyễn Bá Mậu và Tác Phẩm, đồng thời giới thiệu những tác phẩm xuất sắc của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu lên website artcorner.vn.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu bị bệnh và mất ngày 9/12/1990 tại Đà Lạt.

 

Tags: , ,
750

Dịch vụ tương tự

2 Bình luận. Leave new

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.
You need to agree with the terms to proceed

Dịch vụ mới cập nhật