Khai thác hợp lý du lịch lòng hồ, mặt nước tạo đột phá cho ngành du lịch Lâm Đồng

Lâm Đồng là một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học cao nhờ hệ sinh thái rừng và tài nguyên nước. Toàn tỉnh hiện có khoảng 60 sông, suối có chiều dài trên 10 km; mật độ sông suối 0,18 – 1,1 km/km2

NHỮNG LỢI THẾ, TIỀM NĂNG LÒNG HỒ, MẶT NƯỚC

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 7 hệ thống sông chính: Cam Ly, Đa Nhim, Đạ Huoai, Đồng Nai, Đa Dâng, La Ngà và Krông Nô. Hệ thống hồ tương đối dày đặc, phần lớn là các hồ nước nhân tạo, nhiều hồ thuỷ lợi, hồ thuỷ điện là hồ đa mục tiêu: Năng lượng, du lịch, thuỷ lợi và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Lâm Đồng có 36 hồ thuỷ điện đã vận hành có khả năng khai thác du lịch sinh thái; trong đó, có 10 hồ thuỷ điện có diện tích mặt nước lớn, cảnh quan đẹp, gồm: Đồng Nai 3 (5.518 ha), Đại Ninh (1.887 ha); Đồng Nai 2 (1.213 ha), Đa Nhim (970 ha), Đồng Nai 4 (832 ha), Đồng Nai 5 (368 ha), Đa M’Bri (279 ha), Krông Nô 3 (174,4 ha), Đa Khai (120,8 ha), Krông Nô 2 (91,66 ha). Đặc biệt, có hồ Đồng Nai 3 là 1 trong 10 hồ có diện tích mặt nước lớn nhất Việt Nam, là 1 trong 3 hồ có mặt nước lớn nhất miền Nam, sau hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng.

Ngoài ra, trên địa bàn Lâm Đồng có 38 hồ thuỷ lợi, có cảnh quan đẹp; có khả năng khai thác du lịch sinh thái; trong đó, có 10 hồ thuỷ lợi có diện tích mặt nước lớn là: Hồ Đạ Tẻh (420 ha), Hồ KaLa (365 ha), Hồ Tuyền Lâm (304 ha), Hồ Đan Kia (233 ha), Hồ Cai Bảng (224 ha), Hồ Lộc Thắng (200 ha), Hồ Đăk Lô (200 ha), Hồ Đạ Sị (180 ha), Hồ Đạ Ròn (130 ha), Hồ Đăk Lông Thượng (100 ha).

Qua nghiên cứu thực tế lòng hồ, mặt nước của Lâm Đồng so với một số địa phương khác, chúng tôi nhận thấy các hồ chứa ở Lâm Đồng có 10 lợi thế tiềm năng sau đây:

Tài nguyên lòng hồ, mặt nước ở Lâm Đồng rất lớn góp phần phục vụ kinh tế xã hội tỉnh Lâm Đồng quá khứ, hiện tại và tương lai; không chỉ góp phần đảm bảo cân bằng nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mà còn cung cấp, điều hoà tài nguyên nước cho các tỉnh Miền Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền Tây Nam bộ.

Cảnh quan thiên nhiên đẹp nhờ cảnh quan núi rừng kết hợp với lòng hồ, mặt nước hoà quyện mang tính đặc thù lòng hồ, mặt nước trên Tây Nguyên; nhiều hồ trở thành danh lam thắng cảnh cấp quốc gia như: Hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, hồ Than thở và hồ Đa Thiện

Nhiều hồ ở Lâm Đồng còn hoang sơ chưa từng tác động; hồ ở Lâm Đồng có độ cao trung bình cao thứ hai so cả nước sau hồ Séo Mý Tỷ (1.677 m), ở Sapa – Lào Cai; hồ ở Lâm Đồng cao nhất các tỉnh miền Nam; hồ Xuân Hương ở Đà Lạt có độ cao 1.478 m.

Hầu hết các hồ ở Lâm Đồng trong thời gian qua chỉ khai thác chủ yếu là thuỷ điện, thuỷ lợi và một phần cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; chưa có nhà đầu tư chiến lược về du lịch sinh thái khai thác tối ưu lòng hồ, mặt nước

Lâm Đồng có đa dạng hồ chứa, bao gồm hồ thuỷ điện và hồ thuỷ lợi góp phần phát triển năng lượng tái tạo, nước sinh hoạt và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Rất thuận lợi tiếp cận giao thông đến tận mặt hồ, do đó có lợi thế khai thác các dịch vụ đa chức năng, đa giá trị cần khai thác hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Nhiều hồ có điều kiện cảnh quan đẹp và vị trí địa lý rất thuận lợi có thể gắn kết phát triển các khu đô thị phức hợp sinh thái thông minh và du lịch sinh thái độc đáo thích ứng với quá trình chuyển đổi số.

Nhiều hồ có diện tích mặt nước lớn, có khả năng khai thác các trò chơi, vui chơi giải trí, thể dục thể thao…, các dịch vụ trên mặt nước tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế.

Hồ ở Lâm Đồng có khả năng khai thác du lịch quanh năm, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu để phát triển du lịch xanh, du lịch chất lượng cao.

Hồ ở Lâm Đồng rất thuận lợi khai thác các dự án du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên mặt nước và hệ sinh thái rừng độc đáo ở Tây Nguyên.

CÁC GIẢI PHÁP KHAI THÁC HỢP LÝ DU LỊCH SINH THÁI, DU LỊCH XANH BỀN VỮNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tập trung quản lý bảo vệ rừng: Quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên liên tục, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Lâm Đồng có diện tích rừng khá lớn, đến cuối năm 2022 Lâm Đồng có 539.403 ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên là 455.432 ha, rừng trồng: 84.082 ha. Theo quy hoạch 3 loại rừng, rừng đặc dụng 81.847 ha, rừng phòng hộ 151.515 ha, rừng sản xuất 306.042 ha.

Đây là tài sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Lâm Đồng, do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm túc kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 – 2025, sau 2 năm thực hiện đã trồng 14.1 triệu cây xanh đạt 28,3%.

Khi thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng tốt chính là bào vệ tài nguyên đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên rừng cũng chính là bảo vệ tài nguyên nước. Rừng Lâm Đồng là nơi sinh thuỷ thượng nguồn cho các dòng sông, do đó, rất có ý nghĩa rất lớn về tài nguyên nước không chỉ ở tỉnh Lâm Đồng mà còn các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ;

Bảo vệ cảnh quan đồi núi: Lâm Đồng có cảnh quan đồi núi đẹp, nhiều đồi bát úp kế tiếp vừa rừng, đất lâm nghiệp và vừa là đất canh tác nông nghiệp, do đó, trong quá trình canh tác nông nghiêp cần tuân thủ yếu tố thuận thiên canh tác bền vững, hạn chế tối đa và quản lý nghiêm việc san gạt đất để sản xuất nông nghiệp. Nếu không quản lý tốt vấn đề này sẽ gây rửa trôi xói mòn ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường và bồi lắng lòng hồ, mặt nước.

Quản lý chất thải rắn, nước thải: Tập trung quản lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải đô thị và rác thải nông thôn; đặc biệt vật tư bao bì phân bón thuốc bảo vệ thực vật. Có giải pháp hiệu quả hơn xử lý chất thải rắn, phân loại rác từ nguồn; các địa phương tiếp tục thu hút đầu tư các nhà máy xử lý rác; quán triệt người dân bỏ rác đúng nơi quy định, đúng khung giờ. Thu hút nhà máy xử lý chất thải rắn nguy hại để xử lý rác thải y tế và chất thải vật tư nông nghiệp. Tập trung quản lý triệt để nước thải các khu, cụm công nghiệp và các nhà máy chế biến nông sản riêng lẻ.

Quản lý hành lang an toàn hồ đập: Hành lan an toàn hồ đập có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đến hiệu suất và tuổi thọ công trình hồ đập, do đó, cần chú trọng quản lý hành lang an toàn hồ đập theo quy định, tuyệt đối không để người dân xâm lấn hành lang an toàn hồ đập để sản xuất nông nghiệp và xây dựng các công trình kiến trúc không chỉ làm mất cảnh quan thiên nhiên mà còn nguy cơ mất an toàn hồ đập.

Quản lý quy trình vận hành hồ chứa an toàn: Các cơ quan chức năng theo thẩm quyền cần chỉ đạo quy trình vận hành an toàn hồ chứa theo đúng quy định pháp luật; đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện, yêu cầu các bên liên quan cần tuân thủ tuyệt đối quy trình vận hành hồ chứa để quản lý, khai thác hồ chứa hiệu quả, an toàn vừa phát triển bền vững kinh tế – xã hội vừa phòng chống thiên tai.
Thu hút các nhà đầu tư chiến lược về du lịch: Có giải pháp quảng bá tiềm năng lòng hồ, mặt nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm thu hút có chọn lọc các dự án du lịch sinh thái bền vững; không gây ô nhiễm môi trường, quá trình kinh doanh du lịch sinh thái cần tạo sản phẩm độc đáo “đặc trưng, đặc hữu, đặc thù”.

Như đã phân tích nêu trên, với tiềm năng cảnh quan thiên nhiên lòng hồ, mặt nước ở Lâm Đồng có nhiều đặc điểm độc đáo. Tuy nhiên, việc kết hợp lòng hồ, mặt nước khai thác các dự án du lịch xứng tầm trong thời gian qua chưa được các nhà đầu tư quan tâm. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhà đầu tư chiến lược với những sáng tạo mới, đầu tư các dự án du lịch sinh thái bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế.

                                                                                                       PHẠM S
P.Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

139

Dịch vụ tương tự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.
You need to agree with the terms to proceed

Dịch vụ mới cập nhật